Không thể buộc những doanh nghiệp xuất khẩu chịu trách nhiệm |
Những quy định trái luật
Trước hết, Công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/06/2013 của Bộ
Tài chính gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố về tăng cường thanh tra, kiểm tra đối
với các doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu rủi ro cao về thuế có những quy định trái
với Luật Quản lý thuế và Luật thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, công văn đã hướng
dẫn: "…Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản nếu mua
trực tiếp của người sản xuất hoặc chỉ qua 01 khâu trung gian thì được hoàn thuế
theo quy định; nếu mua hàng hóa qua nhiều khâu trung gian thì phải kiểm tra
khâu trung gian trước. Nếu doanh nghiệp thương mại trung gian đã kê khai, nộp
thuế GTGT theo đúng quy định thì mới xét hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu".
Luật Quản lý thuế, Luật
Thuế giá trị gia tăng, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn có
liên quan của Bộ Tài chính không hề có quy định như nêu trên. Chẳng hạn, theo
Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 1/1/2012 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, hướng dẫn thi hành Nghị định số
123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/N Đ-CP ngày 27/12/2011
của Chính phủ", tại Điều 16,"Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của
hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu" không có quy định "Nếu doanh nghiệp
thương mại trung gian đã kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định thì mới xét
hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu".
Thứ hai, công văn số 7527/BTC-TCT có quy định trái với Luật
Doanh nghiệp. Công văn đã bổ sung thêm một điều kiện để các doanh nghiệp xuất
khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng hay nói cách khác, một công văn của Bộ đã
đặt thêm một điều kiện kinh doanh.
Thứ ba, công văn 7527/BTC-TCT của Bộ Tài chính đã vi phạm Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, về hình thức, công văn 7527 chỉ gửi
và hướng dẫn cho Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đó là văn
bản lưu hành trong nội bộ Bộ Tài chính. Song, đối tượng chủ yếu chịu tác động của
công văn lại là các doanh nghiệp.
Thứ tư, công văn 7527 đã xoá bỏ sự độc lập về quyền và nghĩa
vụ của các doanh nghiệp - những pháp nhân độc lập. Các doanh nghiệp xuất khẩu,
đối tượng chịu thiệt hại từ quy định của công văn 7527 đều là các pháp nhân
theo Bộ Luật Dân sự.Vì vậy, công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/06/2013 của Bộ Tài
chính quy định "Nếu doanh nghiệp thương mại trung gian đã kê khai, nộp thuế
GTGT theo đúng quy định thì mới xét hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu"
là vô lý, vi phạm quy định về quyền và trách nhiệm của pháp nhân trong Bộ Luật
Dân sự. Bởi lẽ, doanh nghiệp thương mại trung gian và doanh nghiệp xuất khẩu là
hai pháp nhân độc lập. Việc doanh nghiệp thương mại trung gian có kê khai, nộp
thuế theo đúng quy định hay không hoàn toàn không thuộc quyền và trách nhiệm của
doanh nghiệp xuất khẩu. Việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp thương mại
trung gian không do người đại diện của doanh nghiệp xuất khẩu xác lập do đó,
không thể buộc những doanh nghiệp xuất khẩu chịu trách nhiệm.
Hành doanh nghiệp
Quy định của công văn 7527 đã buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải
trở thành một "thanh tra viên" hoặc "cảnh sát điều tra" khi
mua hàng của doanh nghiệp thương mại trung gian. Đó là điều không thể có trong
thực tế. Hơn nữa, các giao dịch mua, bán hàng hoá, doanh nghiệp xuất khẩu và
các doanh nghiệp thương mại trung gian đều thực hiện qua các hợp đồng kinh tế
và doanh nghiệp xuất khẩu có nghĩa vụ phải thực hiện những cam kết trong hợp đồng,trong
đó có cam kết về thanh toán. Khi doanh nghiệp thương mại trung gian đã giao đủ
hàng theo quy định trong hợp đồng, đã cung cấp hoá đơn hợp pháp của doanh nghiệp
đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải thanh toán tiền hàng cho người bán không phụ
thuộc vào việc người bán có kê khai, nộp thuế hay không.
Với chỉ đạo bằng công văn của Bộ Tài chính, việc khấu trừ
thuế, hoàn thuế GTGT của các doanh nghiệp đã gặp những khó khăn lớn. Để được khấu
trừ thuế, hoàn thuế, các DN phải chứng minh tính hợp pháp của hoá đơn mua hàng
do người bán cung cấp. Những hoá đơn đó phải đáp ứng điều kiện không phải là
hoá đơn của những DN được thành lập chỉ để mua, bán hoá đơn; nếu là hoá đơn của
doanh nghiệp "bỏ trốn" khỏi địa chỉ kinh doanh thì phải được phát
hành trước ngày cơ quan thuế thông báo DN bỏ trốn. Đó thực sự là những điều kiện
"đánh đố" các DN.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục thuế một số tỉnh,
thành phố, điển hình là Cục Thuế Đắk Lắk, đã ban hành Thông báo hoặc Quyết định
thu hồi số thuế GTGT đã hoàn cho các DN xuất khẩu từ năm 2012 đến nay, mặc dù,
hồ sơ hoàn thuế của các DN này hoàn toàn đúng luật và đã được cơ quan thuế quản
lý trực tiếp kiểm tra, xác nhận. Riêng một số DN xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk,
số thuế GTGT đã được hoàn và có văn bản thu hồi khoảng 70 tỷ đến 80 tỷ đồng.
Đây lại là một sáng tạo trái đạo lý và trái luật. Nếu phát hiện DN thương mại
trung gian có hành vi gian lận thì cơ quan thuế hoàn toàn có quyền thu hồi số
thuế GTGT đã được khấu trừ (hoặc được hoàn) từ DN đó. Thu hồi số thuế GTGT đã
hoàn của DN xuất khẩu là không thể chấp nhận vì đó là việc "bắt người ngay
chịu tội cho kẻ gian" là "quýt làm, cam chịu".
Tiền hoàn thuế các DN xuất khẩu nhận được đã thanh toán hết
cho người bán hàng theo hoá đơn hợp pháp của họ. Vì vậy, các DN xuất khẩu không
thể có nguồn tiền nào để hoàn lại cho Nhà nước. Với số thu hồi tới hàng chục tỷ
đồng, chắc chắn sẽ không ít DN bị phá sản.
(Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty
tư vấn VFAM Việt Nam. Bài đã đăng trên Báo Lao động, Trang Đời sống - Thị trường,
số 01/2014, phát hành ngày 3/1/2014).